[Book Review] Dốc Hết Trái Tim – Cách Starbucks Xây Dựng Công Ty Bằng Từng Tách Cà Phê
“Thành công không tính bằng tiền: Nó chính là cách bạn thực hiện cuộc hành trình, và độ lớn của trái tim bạn khi kết thúc hành trình đó”
Một cuốn sách kinh doanh viết về Starbucks bằng cả tình yêu và lòng đam mê của tác giả.
“Dốc hết trái tim” vừa là câu chuyện về cuộc đời CEO Howard Schultz từ lúc còn là một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo khó sau này đã tạo dựng được một công ty mang tầm đẳng cấp thế giới, đây cũng là câu chuyện về 20 năm đầu hình thành và phát triển của Starbucks.
Nó đề cập đến nhiều khía cạnh của một doanh nghiệp: chất lượng sản phẩm, vốn, con người… Đến năm 1992 khi Starbucks hoàn thành IPO, mở ra một thời kỳ mới trong việc vận hành, định hướng và phát triển.
Cuốn sách rất hấp dẫn chứ không phải là một câu chuyện kinh doanh thuần túy đầy tẻ nhạt. Thành công của Starbucks ở chỗ không những nó phát triển mà còn vượt qua những khó khăn trở ngại bên trong và bên ngoài, có tầm nhìn xa và linh động trước những biến động của thị trường song đồng thời vẫn luôn đặt những giá trị cốt lõi của công ty lên hàng đầu.
Dốc hết trái tim cũng nhắc đến văn hóa cafe văn hóa doanh nhân và văn hóa của một Starbucks.
Câu nói hay:
“Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim.”
“Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim.”
“Xuất thân hèn kém có thể khôi dậy trong bạn cả nghị lực lẫn tình yêu.”
“Đừng mơ trong cuộc sống, mà hãy sống trong giấc mơ. Hãy theo đuổi đam mê , thành công sẽ theo đuổi bạn”.
“ Thành công của một doanh nghiệp sẽ chẳng có nghĩa gì nếu nhà lãnh đạo đến đích một mình. Chiến thắng sẽ ý nghĩa hơn nhiều khi nó không chỉ dựa vào công sức của một cá nhân, mà là sự chung tay của cả một tập thể.
Thành công của công ty phải mang lại hạnh phúc cho mọi người. Và hạnh phúc sẽ trường tồn khi mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều lấy trái tim làm đích đến, giành chiến thắng không chỉ cho chính bản thân mình mà còn để dành cho nhau.”
“Nhiều người nhìn vào những gì đang tồn tại và tự hỏi: Tại sao? Tôi mơ về những điều chưa bao giờ tồn tại và tự hỏi: Tại sao không?”
“Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, hoặc vào bất cứ một doanh nghiệp nào thích đáng, bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống với một kết thúc có hậu”
“Dốc hết trái tim” (Pour in your heart) thật tuyệt khi bên ly cà phê Starbucks, phải không các bạn? Bạn còn chần chờ gì nữa mà không đọc nó để rồi chúng ta “Tiến Bước”
“Để học được không chỉ về sự thành công mà còn về sự thất bại, không chỉ về quá trình thành công mà còn là lí do phải thành công, không chỉ về hy vọng mà còn về sự sợ hãi, không chỉ như thế nào là đúng mà còn như thế nào là sai…”
Trích đoạn :
Vào một ngày tháng Giêng lạnh giá năm 1961, bố tôi bị vỡ mắt cá chân khi đang làm việc.
Vào một ngày tháng Giêng lạnh giá năm 1961, bố tôi bị vỡ mắt cá chân khi đang làm việc.
Lúc đó tôi mới bảy tuổi, đang hứng khởi chơi trò ném tuyết trên khoảng sân bị đóng băng phía sau trường thì mẹ ló đầu qua cửa sổ căn hộ chung cư tầng bảy và hốt hoảng vẫy về hướng tôi. Tôi lao như bay về nhà.
“Bố gặp tai nạn,” bà nói. “Giờ mẹ phải đến bệnh viện đây.”
Bố tôi, Fred Schultz, phải nằm ì một chỗ với cái chân treo cao trong suốt hơn một tháng. Trước giờ tôi chưa từng nhìn thấy cái chân nào bị bó bột cả, thế nên ban đầu chuyện này khiến tôi thích mê lên. Nhưng rồi trải nghiệm mới mẻ đó nhanh chóng mất đi. Cũng giống như rất nhiều thời kỳ khác trong cuộc đời bố tôi, khi ông không làm việc, chẳng ai trả lương cho ông cả.
Bấy giờ bố tôi là tài xế xe tải, chuyên nhận và chuyển phát tã lót. Trong nhiều tháng trời, ông phàn nàn đầy bực dọc về mùi hôi và sự dơ bẩn mà ông phải chịu đựng, ông bảo đấy là công việc tệ hại nhất trên thế giới này. Nhưng giờ đây khi đã để mất nó, có vẻ như ông lại muốn được tiếp tục làm công việc này. Mẹ tôi đang mang thai bảy tháng, bà không thể đi làm được. Gia đình tôi chẳng có thu nhập, chẳng có bảo hiểm y tế, chẳng có bồi thường thôi việc, chẳng có gì để mà dựa vào hết.
Đến giờ ăn tối, em gái tôi và tôi im lặng dùng bữa trong khi bố mẹ tranh cãi về chuyện họ sẽ phải vay bao nhiêu tiền, và vay của những ai. Có nhiều tối điện thoại reo inh ỏi, và mẹ luôn bắt tôi phải nghe máy. Nếu đó là nhân viên thu tiền, bà sẽ chỉ bảo tôi trả lời rằng bố mẹ đang đi vắng.
Em trai tôi, Michael, sinh vào tháng Ba; bố mẹ lại phải ngược xuôi vay mượn để trả tiền viện phí.
Nhiều năm sau đó, hình ảnh cha tôi – ngồi phịch trên trường kỷ, chân bó bột, không thể làm việc hay kiếm được một xu lẻ nào, cứ như thể ông đã bị cái thế giới này nghiền ra cám – vẫn làm nhức nhối tâm trí tôi. Giờ đây khi nhìn lại, tôi thực sự cảm thấy kính trọng ông vô cùng. Bố chưa bao giờ tốt nghiệp phổ thong, nhưng ông là người tốt bụng và làm việc hết sức chăm chỉ. Nhiều khi ông phải nhận đến hai ba việc một lúc để chúng tôi có cái ăn cái mặc. Ông rất thương ba đứa con của mình, và ông chơi bong với chúng tôi luôn vào mỗi dịp cuối tuần. Ông cực mê đội Yankees.
Nhưng bố không thể trở thành một người đàn ông thành đạt. Trong tất cả các công việc chân tay mà ông từng làm – tài xế xe tải, công nhân nhà máy, rồi tài xế taxi – ông chưa bao giờ kiếm nổi 20.000 đô-la một năm, chưa bao giờ ông có khả năng sở hữu một căn nhà nhỏ của riêng mình. Tuổi thơ tôi trôi qua ở Khu Quy hoạch, khu nhà do liên bang trợ cấp, tại Canarsie, Brooklyn. Khi thành niên, tôi cảm thấy điều này vô cùng nhục nhã.
Càng lớn, tôi càng thường xuyên tranh cãi với bố. Tôi trở nên cay độc về sự không thành công của ông, sự vô trách nhiệm của ông. Tôi nghĩ rằng lẽ ra bố đã thành đạt hơn biết bao nhiêu nếu nỗ lực và cố gắng.
Sau khi ông mất, tôi nhận thấy mình đã quá bất công khi đánh giá ông. Ông đã cố gắng khiến mình trở nên vừa vặn với hệ thống xã hội này, nhưng cái hệ thống đó đã xô đẩy ông. Vốn là người tự ti, ông chưa bao giờ có đủ dũng khí trèo ra khỏi hố sâu để mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình.
Ngày bố qua đời vì ung thư phổi, một ngày tháng Một năm 1988, là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi. Ông chẳng có tiền tiết kiệm, chẳng có lương hưu. Quan trọng hơn tất cả, ông chưa bao giờ đạt được thành công hay cảm giác được trân trọng từ những công việc có ý nghĩa đối với bản thân ông.
Khi còn bé, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ làm chủ một công ty. Nhưng từ sâu trong trái tim mình tôi biết rằng nếu đứng ở vị trí có thể tạo ra được một sự khác biệt nào đó, tôi sẽ không bao giờ bỏ mặc những người đứng ở phía sau.
Bố mẹ không thể hiểu nổi cái gì đã kéo tôi về phía Starbucks. Năm 1982, tôi bỏ một công việc đầy uy tín, lại được trả lương cao, để đầu quân vào nơi mà lúc bấy giờ chỉ là một nhà bán lẻ bé nhỏ ở Seattle với vỏn vẹn năm cửa hàng.
Về phần mình, tôi không nhìn vào thực tế của Starbucks mà tôi nhìn vào triển vọng của nó. Tôi đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi sự pha trộn giữa đam mê và bản sắc của nó. Tôi dần nhận ra rằng, nếu có thể mở rộng ra phạm vi cả nước, bằng việc lãng mạn hoá nghệ thuật pha chế cà phê espresso của Ý cũng như mang lại cho khách hàng những hạt cà phê rang tươi mới nhất, Starbucks có thể khiến sản phẩm lâu đời này tái sinh một lần nữa và mê hoặc hàng triệu người như nó đã từng mê hoặc tôi.
Tôi trở thành CEO của Starbucks vào năm 1987 khi đứng ra, với tư cách một doanh nhân, thuyết phục các nhà đầu tư tin vào tầm nhìn chiến lược mà tôi vạch ra cho công ty. Trong suốt mười năm sau đó, với đội ngũ các nhà điều hành sáng suốt và dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi đã đưa Starbucks từ một doanh nghiệp địa phương chỉ với 6 cửa hàng lên quy mô quốc gia với hơn 1.300 cửa hàng và 25.000 nhân viên. Ngày nay chúng tôi có mặt ở các thành phố trên khắp Bắc Mỹ, cũng như Tokyo và Singapore. Starbucks trở thành một thương hiệu được nhận diện ở cấp quốc gia, thành công này cho phép chúng tôi thử nghiệm các sản phẩm mới mang tính tiên phong. Cả doanh số bán hàng lẫn lợi nhuận đều tăng hơn 50% một năm trong sáu năm liên tiếp.
Nhưng câu chuyện Starbucks không đơn giản chỉ là một kỷ lục về thành công và phát triển. Nó còn khắc hoạ một con đường tạo lập doanh nghiệp thật sự khác biệt. Nó là câu chuyện về một công ty hoàn toàn không giống những nơi bố tôi từng làm. Nó là bằng chứng sống cho thấy rằng một công ty có thể vận hành bằng đam mê và phát triển các giá trị tinh thần mà vẫn thu được lợi nhuận. Nó cho thấy rằng một công ty có thể mang lại giá trị dài hạn cho các cổ đông mà không cần hy sinh phương châm đối xử với nhân viên bằng tấm lòng trân trọng, bởi lẽ chúng tôi có một đội ngũ lãnh đạo tin rằng đó là con đường đúng đắn và bởi lẽ đó chính là con đường tốt nhất trong kinh doanh.
Link Audio Book: Dốc Hết Trái Tim – Cách Starbucks Xây Dựng Công Ty Bằng Từng Tách Cà Phê